Yoga vốn là môn tập luyện sử dụng 3 phương tiền điều thân, điều tức và điều tâm. Nghĩa là hình thành những động tác ở từng bộ phận nhất định trên cơ thể, kết hợp với điều tức nghĩa là hít thở theo cách tích luỹ sinh năng. Sinh năng này được xem là nguồn năng lượng của sự sống, có thể chữa bệnh hoặc làm tăng cường nội lực cơ thể. Và cuối cùng là điều tâm là kiểm soát và làm chủ các giác quan, các bộ phận nhạy cảm, xung thần kinh và các bộ phận thi hành. Kết hợp tốt 3 phương tiện trên sẽ đạt đến sự hoàn hảo trong tập luyện.
Menu bài viết
Những chấn thương thường gặp khi tập Yoga
Chấn thương vai
Một số động tác Yoga khiến vai hoạt động quá tải, đồng thời việc tập luyện tư thế không chính xác sẽ tổn thương hệ thống cơ xương, việc tập luyện quá sức cũng dẫn đến những chấn thương ở vai.
Chấn thương cổ tay
Rất nhiều động tác yêu cầu sự linh hoạt và sức từ cổ tay. Với những người vừa bắt đầu có thể gặp tình trạng đau cổ tay khi luyện tập đại đa số các động tác.
Chấn thương gân kheo
Đây là một trong những chấn thương thường gặp trong khi tập luyện yoga. Nguyên nhân là do bạn thường cố gắng kéo dãn cơ phía sau đùi, cẳng chân.
Chấn thương vùng cổ
Một số tư thế như tư thế trồng cây chuối hoặc đứng bằng vai có thể khiến bạn gặp những chấn thương vùng cổ. Nếu thực hiện không chính xác, các đốt sống và bộ xương khung có thể bị tổn thương.
Chấn thương vùng thắt lưng
Chấn thương thường gặp nhất khi tập yoga là đau vùng thắt lưng, nhất là khi tập các tư thế như chó cúi mặt, gập người. Đôi khi, bạn cũng có thể gặp chấn thương khi căng cơ chân trước khi tập luyện.
Những quy tắc vàng để tránh chấn thương khi tập luyện Yoga
- Thời gian tập luyện thích hợp là vào buổi sáng hoặc buổi tối, và tránh bữa ăn chính khoảng 2 giờ trước buổi tập luyện.
- Mặc quần áo tập phù hợp, có độ co giãn thích hợp, thấm hút mồ hôi và thích hợp cho Yoga.
- Luôn chú trọng đến phần khởi động, làm nóng cơ thể trước khi bắt đầu các bài tập. Các dây chằng rất dễ bị tổn thương khi luyện tập đột ngột.
- Khi bạn mới bắt đầu, hãy tìm hiểu về Yoga và tập với những huấn luyện viên có kinh nghiệm, có chuyên môn, bởi đa số chấn thương đều bắt nguồn từ việc tập sai tư thế.
- Bất cứ một thắc mắc nào về trình tự động tác, hay phương pháp thực hiện, hãy hỏi ngay huấn luyện viên, đừng tự điều chỉnh tư thế một mình bạn nhé.
- Đừng nóng vội, nhận biết giới hạn của bản thân, nếu bạn chưa đủ kinh nghiệm và cơ thể chưa đủ điều kiện để thực hiện các động tác đòi hỏi trình độ cao, hãy kiên nhẫn cho tới khi bạn làm được.
- Hãy tìm hiểu rõ về từng loại yoga và tìm cho mình những bài tập phù hợp với mục đích luyện tập.
- Luôn cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể để tránh tình trạng mất nước hay mệt mỏi.
- Lắng nghe cơ thể mình, bởi việc luyện tập là khiến bạn khoẻ và hài lòng, phấn khởi về tinh thần, vì thế không cần quá ép buộc mình ở các động tác, cứ kiên nhẫn tập từng chút một cho đến khi cơ thể bạn thích nghi. Nếu như có vấn đề đau nhức, tê mỏi hay những cơn đau, hãy dừng ngay để hỏi huấn luyện viên hoặc đến tham khảo ý kiến bác sĩ bạn nhé.
Cẩn thận và kiên trì
Yoga là một công cụ rèn luyện thể chất và tinh thần, vì thế bạn cần có một định hướng cụ thể cho việc luyện tập những đừng gò bó, bạn luyện tập vì bạn tin nó mang lại sức khoẻ và cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình. Hãy luyện tập một cách đều đặn và kiên trì, đồng thời không cần tự dồn ép bản thân, hãy tận hưởng từng phút giây tuyệt đẹp mà Yoga mang lại cho mình.
Một tinh thần thư thái và một niềm tin trọn vẹn sẽ giúp đẩy năng lượng luyện tập của bạn lên cao nhất. Thật cẩn thận để không gặp phải chấn thương bạn nhé.